Cách Làm Sữa Chua Nếp Cẩm Vừa Ngon Vừa Đơn Giản

Bởi Tô Quang

Nếu đã một lần thưởng thức sữa chua nếp cẩm hẳn bạn sẽ không quên được hương vị hấp dẫn và mới lạ mà món ăn mang lại. Sữa chua nếp cẩm không những có hương vị thơm ngon, mà còn mang đến công dụng giải nhiệt hiệu quả nên đã trở thành món ăn vặt quen thuộc được nhiều người yêu thích. Học cách làm sữa chua nếp cẩm từ HPCViet để nhâm nhi thưởng thức tại nhà nhé!

Sữa chua nếp cẩm thơm ngon

Sữa chua nếp cẩm thơm ngon, mát lành phù hợp với những ngày nóng bức. Ảnh: Internet

Khi thưởng thức sữa chua nếp cẩm bạn sẽ cảm nhận được vị chua nhẹ không quá ngọt, mát lạnh và béo thơm, thi thoảng nhai phải những hạt nếp cẩm nổ lụp bụp trong miệng, quyện cùng vị béo của nước cốt dừa, mùi thơm khó nhầm lẫn của lá dứa. Hơn cả nhu cầu giải khát, sữa chua nếp cẩm đích thị là món ăn thú vị bạn nên trải nghiệm. Dưới đây sẽ là cách làm sữa chua nếp cẩm vừa ngon vừa đơn giản dành cho bạn.

Nguyên liệu sữa chua nếp cẩm

  • 1 lít sữa tươi không đường
  • 190g sữa đặc có đường
  • 1 hũ sữa chua
  • 200g gạo nếp cẩm
  • 100g đường cát
  • 100ml nước cốt dừa
  • 30g lá dứa (lá nếp)
  • Dụng cụ: nồi, vá, muỗng, hũ đựng sữa chua…

Hướng dẫn làm sữa chua nếp cẩm tại nhà

Không cầu kỳ với nhiều công đoạn chế biến như sữa chua nha đam, sữa chua nếp cẩm chỉ cần 2 phần chính là sữa chua và nếp cẩm.

Phần sữa chua

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Dụng cụ đựng, khuấy sữa chua rửa sạch, tráng qua nước sôi rồi để thật khô.

Cho 1 lít sữa tươi và 190g sữa đặc vào nồi, dùng muỗng gỗ khuấy đều cho hỗn hợp sữa tan hoàn toàn.

Bước 2: Đun sữa tươi

Bạn bắc nồi sữa lên bếp đun với lửa nhỏ, trong quá trình đun, bạn nhớ vớt bọt thường xuyên.

Khi sữa bắt đầu ấm khoảng 70 – 80 độ C thì tắt bếp, tuyệt đối không đun sôi sữa vì sẽ làm cho sữa mất vị béo.

Đun hỗn hợp sữa đến khi ấm nóng

Đun hỗn hợp sữa đến khi ấm nóng

Bước 3: Trộn sữa chua và sữa tươi

Hũ sữa chua cái bạn để ở nhiệt độ phòng khoảng 1 giờ cho tan hoàn toàn. Đợi nồi sữa tươi nguội về khoảng 40 – 50 độ C thì múc một ít sữa ra, hòa cùng sữa chua, sau đó đổ hỗn hợp sữa chua vào nồi sữa, khuấy đều.

Hòa tan 1 hũ sữa chua vào nồi sữa

Hòa tan 1 hũ sữa chua vào nồi sữa

Lọc sữa chua qua rây lọc lỗ nhỏ để thành phẩm được mịn, mượt hơn.

Bước 4: Cách ủ sữa chua

Rót sữa chua vào từng hũ nhỏ, dùng muỗng hớt sạch bọt phía trên (nếu có), đậy kín nắp hũ và đem đi ủ.

Bạn có thể ủ sữa chua bằng thùng xốp hay nồi cơm điện đều được. Bạn xếp các hũ sữa chua vào nồi cơm hoặc thùng xốp, rót nước nóng 50 độ vào sao cho ngập 2/3 hũ, đậy nắp và ủ trong 7 – 8 tiếng. Trong quá trình ủ, nếu thấy nước hết nóng thì bạn thay nước mới.

Thành phẩm sữa chua sau khi ủ 8 tiếng

Thành phẩm sữa chua sau khi ủ 8 tiếng

Phần nếp cẩm

Bước 1: Ngâm gạo nếp cẩm

Gạo nếp cẩm mua về vo sạch rồi cho vào thau nước lạnh ngâm từ 6 – 8 tiếng (hoặc ngâm qua đêm) để nếp mềm. Nếu không có thời gian thì bạn ngâm nếp với nước nóng khoảng 2 – 4 tiếng.

Nếp sau khi ngâm xong, bạn vớt ra để ráo nước.

Bước 2: Cách nấu nếp cẩm

Cho nếp cẩm vào nồi cùng 500ml nước, thêm một ít muối rồi bắc lên bếp đun với lửa nhỏ. Sau khoảng 5 phút thì cho lá dứa vào đun cùng.

Trong quá trình đun, bạn nhớ bọt và trấu của nếp cẩm nổi lên rồi đậy kín nắp để nếp nhanh chín. Đun đến khi nước gần cạn mặt nếp thì vớt lá dứa ra, cho thêm 100ml nước cốt dừa và 100g đường cát vào, dùng đũa đảo đều rồi đun liu riu lửa cho đến khi nước cạn hết là nếp đã chín.

Các bước nấu nếp cẩm

Các bước nấu nếp cẩm. Ảnh: Internet

Thưởng thức sữa chua nếp cẩm

Khi nếp cẩm đã nguội, bạn múc nếp cẩm ra chén hoặc ly. Sau đó cho sữa chua cùng đá viên vào và thưởng thức. Nếu không thích ăn cùng với đá, bạn cho nếp cẩm vào trong tủ lạnh khoảng 2 – 3 tiếng.

Ngoài ra, bạn có thể cho thêm đậu phộng, dừa khô ăn kèm cũng rất ngon.

Vị chua thanh của sữa chua

Vị chua thanh của sữa chua hòa quyện cùng vị bùi của nếp cẩm ngon khó cưỡng. Ảnh: Internet

Sữa chua nếp cẩm có tác dụng gì?

Những tác dụng của sữa chua nếp cẩm đối với sức khỏe có thể kể đến như:

  • Có lợi cho tim mạch: Chất lovastatin và ergosterol trong men nếp cẩm có thể tái tạo mạch máu, nhờ vậy giúp phòng tránh nguy cơ đột quỵ, xơ vữa động mạch… Đồng thời, chất xơ có trong loại gạo này giúp giảm cholesterol, phòng ngừa rối loạn mỡ máu, điều hòa huyết áp.
  • Bổ máu: Gạo nếp cẩm còn có tên là “bổ huyết mễ”, điều đó cũng cho thấy tác dụng của loại thực phẩm này đối với sức khỏe. Chị em phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt có thể ăn sữa chua nếp cẩm để thêm khỏe khoắn, khắc phục tình trạng mất máu.
  • Tốt cho hệ tiêu hóa: Các lợi khuẩn có trong sữa chua sẽ giúp đường ruột hấp thụ tốt hơn, cải thiện tình trạng táo bón.
  • Phòng chống loãng xương: Trong sữa chua nếp cẩm có chứa canxi, photpho… giúp răng và xương chắc khỏe, phòng tránh tình trạng thiếu canxi.

Sữa chua nếp cẩm rất tốt

Sữa chua nếp cẩm rất tốt cho hệ tiêu hóa. Ảnh: Internet

Ăn sữa chua nếp cẩm có béo không?

Trong 100g sữa chua nếp cẩm chứa khoảng 100 calo, nên nếu sử dụng với khẩu phần phù hợp không những không làm tăng cân, mà còn làm đẹp da và hỗ trợ giảm cân hiệu quả, nhất là khi dùng vào bữa sáng.

Một ly nhỏ sữa chua nếp cẩm

Một ly nhỏ sữa chua nếp cẩm vào buổi sáng sẽ giúp giảm cân hiệu quả. Ảnh: Internet

Trong thời tiết nóng bức, ly sữa chua nếp cẩm không chỉ là một món ăn giải nhiệt mà còn kích thích tiêu hóa, bổ sung năng lượng và giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng tốt, tránh các căn bệnh mùa nóng. Ngoài cách làm sữa chua nếp cẩm, bạn có thể tham khảo thêm sữa chua mít, sữa chua nha đam hoặc sữa chua chuối để tạo thêm sự đa dạng cho món ăn.

Mời bạn đánh giá bài viết để chúng tôi phục vụ bạn tốt hơn!

Điểm: 5 (5 bình chọn)

Tác giả: Hữu Quang Tô

Tô Hữu Quang phát triển ngành cà phê và đồ uống đã hơn 7 năm nay, với kinh nghiệm của mình tôi hy vọng có thể chia sẻ cho các bạn những điều hấp dẫn trong ngành này.

Bài viết liên quan

Ý kiến của bạn